Ảnh minh họa
Theo Kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 hạ tầng viễn thông băng rộng phấn đấu số ấp, khu vực được phủ băng rộng di động đạt 100%. Tỷ lệ ấp, khu vực được phủ băng rộng cố định (FTTH) đạt 100%, tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS đạt 10%, tỷ lệ dùng chung cột treo cáp đạt 50%, tỷ lệ dùng chung cống bể cáp đạt 10%, tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%.
Về sử dụng dịch vụ viễn thông, số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 85 thuê bao. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 85%, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 80%. Số thuê bao băng rộng cố định/100 dân đạt 25 thuê bao. Tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 80%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%. Tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet (bao gồm băng rộng cố định và băng rộng di động) đạt 90%. Mạng băng rộng di động (4G) với tốc độ trung bình đạt 70Mb/s. Mạng băng rộng cố định với tốc độ trung bình đạt 100Mb/s. Bên cạnh đó, phấn đấu 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng Internet vạn vật (IoT); 100% hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ ứng dụng IoT (khi có nhu cầu).
Đối với hạ tầng điện toán đám mây, đạt 100% hệ thống thông tin dùng chung cấp Tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây và 70% doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Hạ tầng công nghệ số, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội; AI, blockchain, IoT hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số của Tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị.
Nền tảng số, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Hậu Giang sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số; thu hút, huy động mọi nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số...
Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông