Bước vào năm 2021, Hậu Giang bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
(Nguồn: Báo VietnamNet) - Báo VietnamNet vừa có cuộc trò chuyện với ông
Lã Hoàng Trung - Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang về việc tăng
cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã
hội của Hậu Giang trong nhiệm kỳ tới, mời quý vị cùng theo dõi.
Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây
dựng thành công chính quyền điện tử? Theo ông/bà, kinh tế - xã hội sẽ được cải
thiện ra sao và người dân Hậu Giang sẽ được hưởng lợi như thế nào từ mô hình
này?
Xây dựng Chính phủ điện tử ở Trung ương và
Chính quyền điện tử (CQĐT) ở địa phương là một chủ trương lớn của
Đảng và Nhà nước từ nhiều năm nay. Gần đây, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày
27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách thực hiện cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính
phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai
đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đều đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng
Chính quyền điện tử.
Nhận thức rõ vai trò của công nghệ thông tin
trong phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu
Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 03 nhiệm vụ đột phá trong
nhiệm kỳ tới, trong đó, nhiệm vụ đột phá thứ ba là: “Thực hiện cải cách hành
chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số
các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; ...”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh,
ngày 02/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về xây
dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn
2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp đó, ngày 04/12/2020, Hội đồng nhân dân
tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án Chính
quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025
với mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và
địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức
sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên
địa bàn Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Hậu Giang trở thành địa phương phát
triển khá trong khu vực Tây Nam Bộ.
Lý do để Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển
là xây dựng thành công chính quyền điện tử là vì Hậu Giang không có nhiều lợi
thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác, Tỉnh còn
nghèo, nguồn lực của Tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên
để đầu tư là rất quan trọng. Xây dựng Chính quyền điện tử và sắp tới là thực
hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh là sự lựa chọn phù
hợp, là giải pháp cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng
sống của người dân trên địa bàn Tỉnh. Ngoài ra, yếu tố quyết định mọi vấn đề là
con người, để phát triển nguồn nhân lực, cần thực hiện đồng thời cải cách hành
chính, xây dựng Chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để
đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả cao.
Xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện chuyển
đổi số Tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực, từ đó góp
phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, người dân và doanh
nghiệp của Tỉnh sẽ được thụ hưởng những lợi ích sau:
Người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy
đủ, kịp thời các thông tin về hoạt động của Tỉnh, để từ đó tạo ra sự đồng
thuận, niềm tin trong xã hội;
Các dịch vụ công của Tỉnh sẽ được cung cấp
trực tuyến, tích hợp giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện mọi lúc, mọi
nơi, đồng thời, có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của mình;
Người dân, doanh nghiệp có thể tương tác thuận
tiện, dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và
có thể theo dõi kết quả cơ quan nhà nước xử lý các phản ánh, kiến nghị của
mình;
Khi các ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi
số, người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng các dịch vụ chất lượng cao về du
lịch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường..., qua đó nâng cao chất lượng
sống tại Tỉnh;
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin toàn
diện trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, môi trường kinh doanh của
Tỉnh sẽ được cải thiện, thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa, cắt giảm
quy trình thực hiện, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hỗ trợ các
doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại Tỉnh.
Những cơ sở nào để Hậu Giang tự tin thực hiện
Đề án Chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm
2030?
Bước vào năm 2021, Hậu Giang bắt đầu triển
khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển
đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với
những cơ sở và niềm tin sau:
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh luôn quan tâm,
ưu tiên và chỉ đạo sát sao việc xây dựng Chính quyền điện và chuyển đổi số Tỉnh
mà trước tiên là việc đưa các nội dung này vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ Tỉnh,
ban hành rất sớm Nghị quyết chuyên đề về Chính quyền điện tử và chuyển đổi số,
tiếp đó là dành nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ này trong Kế hoạch đầu tư
công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định
hướng, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để xây dựng Chính quyền điện tử,
trong đó, Hậu Giang luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị
chuyên môn của Bộ.
Tỉnh đã có sự chuẩn bị nguồn nhân lực về công
nghệ thông tin để phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên toàn tỉnh, bao gồm
đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông
tin; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, người dân trong
Tỉnh.
Thực tế triển khai xây dựng Chính quyền điện
tử, thực hiện chuyển đổi số trên cả nước trong thời gian qua đã có nhiều kết
quả tích cực, khẳng định tính hiệu quả thực tế của việc xây dựng Chính
quyền điện tử. Hậu Giang là Tỉnh đi sau, hoàn toàn có thể tham khảo đầy đủ, học
hỏi kinh nghiệm của các địa phương đi trước cũng như từ chính kinh nghiệm triển
khai các ứng dụng trong thời gian gần đây của Tỉnh để từ đó lựa chọn hướng đi,
giải pháp phù hợp cho mình,
Với những cơ sở như vậy, với sự nỗ lực, quyết
tâm của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, ưu tiên chỉ đạo của Bộ Thông tin và
Truyền thông, tôi tin việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Chính
quyền điện tử và chuyển đổi số Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ gặt hái được
nhiều thành công, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh
trong thời gian tới.
Được biết vừa qua, Tỉnh Hậu Giang hoàn thiện
xây dựng tổng đài cải cách hành chính và phổ cập mô hình dịch vụ công trực
tuyến. Xin được chia sẻ thêm về những bước tiến này.
Về mục đích xây dựng tổng đài cải cách hành
chính (CCHC), hôm13/7/2020, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch Xây dựng tổng
đài cải cách hành chính tỉnh Hậu Giang; thiết lập tài khoản Zalo và hỗ trợ
người dân trong việc tiếp cận, kê khai, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm các
mục tiêu sau đây:
Xây dựng 01 kênh thống nhất trong việc tư vấn
và hỗ trợ công tác CCHC cho các Sở, ngành, địa phương, người dân và doanh
nghiệp với tên gọi “Tổng đài hỗ trợ công tác CCHC tỉnh Hậu Giang”; Thiết lập 01
tài khoản trên Zalo với tên “Phản ánh về thủ tục hành chính Hậu Giang”;
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu thực
hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh; kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho các Sở, ngành và địa
phương trong công tác CCHC, giúp công tác này ngày càng hiệu quả, thiết thực;
Xây dựng kênh tiếp nhận thông tin nhanh, hiệu
quả để giúp người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực
hiện TTHC, kịp thời phản ánh về những hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ,
công chức; đây sẽ là kênh thông tin tương tác giữa tỉnh với người dân, doanh
nghiệp giúp kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của cơ quan,
tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; kịp
thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm trong công tác cán bộ và hoạt
động công vụ;
Xây dựng các sáng kiến, giải pháp trong công
tác CCHC của tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng các chỉ số của Tỉnh.
Kết quả đạt được tới nay, tổng đài cải cách
hành chính tỉnh đã tiếp nhận được 273 cuộc gọi đến số Tổng đài (ý kiến tư vấn
về thủ tục hành chính và phản ánh kiến nghị của người dân trong việc giải quyết
hồ sơ, thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả). Sau khi nhận
được thông tin phản ánh kiến nghị của người dân, Ban Điều hành đã chỉ đạo Tổ
vận hành Tổng đài cải cách hành chính của các đơn vị từ tỉnh xác minh làm rõ
những ý kiến phản ánh trên và giải quyết ngay khi có phản ánh.
Qua khảo sát sự hài lòng của người dân trên
Zalo về ý kiến Tổng đài cho thấy, người dân đồng tình và hài lòng khi Tỉnh xây
dựng Tổng đài cải cách hành chính, giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong việc giải
quyết thủ tục hành chính.
Về phổ cập mô hình dịch vụ công trực tuyến,
hôm 18/12/2020, UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 2411/QĐ-UBND Ban hành Quy
chế hoạt động Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử tỉnh Hậu Giang thay
thế Quyết định số 2089/QÐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân
tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến
tỉnh Hậu Giang.
Trong thời gian qua, Thường trực UBND tỉnh đã
chỉ đạo Văn Phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành tập huấn
về dịch vụ công trực tuyến cho các đối tượng là đoàn viên thanh niên, Mặt trận
Tổ quốc, Hội Phụ nữ và cán bộ tiếp nhận trả kết quả từ tỉnh đến xã để lực lượng
này hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 một cách dễ
dàng.
Với cách làm này, trong năm 2021 và các năm
tiếp theo, Hậu Giang có khà năng nằm trong top đầu các tỉnh triển khai dịch vụ
công trực tuyến thành công.
Để triển khai chính quyền điện tử và chuyển
đổi số thành công rất cần phải có nguồn nhân lực tương ứng. Vậy Hậu Giang đã
chuẩn bị nguồn nhân lực này như thế nào và sẽ tiếp tục bồi đắp như thế nào để
có đủ lực lượng thực hiện các chương trình quan trọng về chuyển đổi số, xây
dựng chính quyền điện tử như tỉnh đã đặt mục tiêu?
Nhận thức rõ yếu tố quan trọng, có ý nghĩa
quyết định sự thành công của nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện
chuyển đổi số là nguồn nhân lực, Tỉnh đã có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng cho
yếu tố này.
Về chủ trương, chính sách chung để phát triển
nguồn nhân lực của Tỉnh, hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang xây dựng Nghị quyết
và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang 05 năm (2021 -2025) để
ban hành trong thời gian tới.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng Chính
quyền điện tử và chuyển đổi số, trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và
đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, nhiệm
vụ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh luôn được
quan tâm, chú trọng. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực bao gồm:
Chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán
bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các cơ quan
nhà nước trên địa bàn tỉnh;
Chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ
đảm bảo an toàn, an ninh thông tin;
Đào tạo, tập huấn kỹ năng sử dụng các ứng dụng
công nghệ thông tin cho cán bộ trong cơ quan nhà nước;
Đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin
phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, hiện nay, Sở Thông tin và Truyền
thông đang tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện
tử, cải cách hành chính và chuyển đổi số Tỉnh để chỉ đạo thống nhất và toàn
diện mọi nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính quyền điện tử trong đó có chuẩn
bị nguồn nhân lực. Đồng thời, Tỉnh cũng sẽ thành lập Tổ kỹ thuật về công nghệ
thông tin để phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, bao gồm các cán bộ chuyên trách
về công nghệ thông tin của các Sở, ban, ngành Tỉnh và các địa phương.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán
bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của Tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông
cũng tham mưu cho tỉnh về các chính sách để thu hút cán bộ có trình độ về công
tác tại Hậu Giang, cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp để tận dụng mọi nguồn
lực của xã hội.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, Tỉnh sẽ có
đủ đội ngũ nhân lực phục vụ việc xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số
thành công.