Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930, Xứ ủy Nam kỳ ra đời để trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam kỳ. Để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế ở từng nơi, Xứ ủy Nam kỳ đã thành lập các Liên Tỉnh ủy.
- Liên Tỉnh ủy Gia Định
- Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho
- Liên Tỉnh ủy Long Xuyên
- Liên Tỉnh ủy Cần Thơ

Địa điểm cơ quan Liên Tỉnh
ủy Cần Thơ (1938-1940)
Cao trào cách mạng năm 1930 -
1931 bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Hậu
Giang, Cần Thơ tạm lắng. Sau đó, những năm 1932 - 1935 các tổ chức cơ sở Đảng
và phong trào cách mạng dần dần được phục hồi. Tiếp đến năm 1936, Chính phủ Mặt
trận bình dân ở Pháp lên cầm quyền là điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu
tranh công khai phát triển lan nhanh khắp cả nước ta. ở miền Hậu Giang và nhất
là ở tỉnh Cần Thơ, phong trào Đông Dương Đại hội phát triển rầm rộ. Thực hiện
chủ trương của Xứ ủy, năm 1938 đồng chí Tạ Uyên thành lập Liên Tỉnh ủy Cần Thơ
để lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai và bí mật ở miền Hậu Giang.
- Đồng chí Tạ Uyên - Bí thư
- Đồng chí Quản Trọng Hoàng -
Phó Bí thư
- Đồng chí Phan Văn Bảy - Ủy viên
- Đồng chí Thái Văn Đẩu - Ủy viên
- Đồng chí Đặng Văn Quang - Ủy
viên
Phạm vi hoạt động của Liên Tỉnh
ủy gồm các tỉnh : Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Rạch Giá, Bạc Liêu,
Sa Đéc.
Làng Phú Hữu có phong trào nông
dân hoạt động cùng với chi bộ Đảng do đồng chí Trần Duy Phước (Nguyễn Văn Phúc)
làm Bí thư, là hạt nhân của phong trào cách mạng và chỗ dựa vững chắc cho việc
xây dựng cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ.
Nhà bà Ngô Thị Lụa ở rạch Ngã
Lá, ấp Phú Lễ, làng Phú Hữu, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (nay là huyện Châu Thành,
tỉnh Hậu Giang) được chọn làm “Trụ sở” cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ. Nơi đây vào những năm
1938 -1939, Liên Tỉnh ủy đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho các đảng viên
ở các tỉnh miền Hậu Giang và tổ chức nhiều cuộc Hội nghị Liên Tỉnh ủy mở rộng,
để triển khai nghị quyết của Xứ ủy cho các Tỉnh ủy miền Hậu Giang.
Năm 1938, chính phủ Mặt trận
bình dân ở Pháp bị lật đổ, chính phủ phản động Đa-La-Diê (Daladier) lên thay,
bọn thực dân Pháp ở Đông Dương ra sức khủng bố phong trào dân chủ. Liên Tỉnh ủy
vẫn đứng vững ở căn cứ này chỉ đạo chuyển hướng hoạt động, bảo tồn được lực
lượng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của nông đần đòi giảm tô, giảm tức giành
thắng lợi ở vùng
Hậu Giang.
Nhân kỷ niệm 150 năm cuộc cách
mạng Tư sản Pháp (14-7-1789). Liên Tỉnh ủy tổ chức một cuộc mít tinh công khai
với qui mô lớn, tập hợp hằng ngàn nhân dân tại rạp Lê-ô-Pôn, đã nêu cao tinh
thần cách mạng Pháp (1789), kêu gọi các giới đòi tự do dân chủ, bình đẳng, đòi
vũ trang cho nhân dân phòng thủ Đông Dương chống phát xít. Cuộc mít tinh kết
thúc thắng lợi, nhân đân đồng thanh hát vang bài Quốc ca Pháp và Quốc tế ca.
Cuộc mít tinh có tiếng vang lớn, uy tín của Đảng được nâng cao trong các tầng
lớp nhân dân. Phong trào cách mạng và cơ sở Đảng các tỉnh miền Hậu Giang phát
triển mạnh đòi hỏi phải thành lập các Tỉnh ủy để lãnh đạo phong trào cách mạng
các địa phương.
- Năm 1938, Tỉnh ủy Cần Thơ được
thành lập, do đồng chí Quản Trọng Hoàng làm Bí thư.
- Tháng 10 -1939, Quận ủy Phước
Long (Rạch Giá) được thành lập. Cuối năm 1939 Quận ủy Châu Thành (Rạch Giá)
được thành lập. Dó là những nhân tố quan trọng dẫn đến sự ra đời của Tỉnh ủy
Rạch Giá sau này.
- Năm 1940, Tỉnh ủy Trà Vinh
thành lập do đồng chí Phan Văn Bảy làm Bí thư.
- Năm 1940, Ban cán sự tỉnh Sóc
Trăng thành lập do đồng chí Phạm Hồng Thám làm Bí thư.
- Ngày 25 -10-1940 Tỉnh ủy lâm
thời tỉnh Bạc Liêu thành lập do đồng chí Bùi Thị Trường làm Bí thư.
Tháng 7 - 1940, đồng chí Tạ Uyên
được rút về làm Bí thu Xứ ủy. Đồng chí Quản Trọng Hoàng lên làm Bí thư Liên
Tỉnh ủy Cần Thơ.
Từ căn cứ này, Liên Tỉnh ủy đã
triệu tập Hội nghị phổ biến nghị quyết của Xứ ủy và kế hoạch chuẩn bị khởi
nghĩa Nam
kỳ cho Đảng bộ các tỉnh miền Hậu Giang.

Bà Ngô Thị Lụa - Chủ gia đình nơi
Cơ quan Liên Tỉnh ủy
Cần Thơ đóng
Chấp hành lệnh của Xứ ủy, cuộc
Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Liên Tỉnh ủy Cần Thơ
đã nổ ra nhiều nơi ở các tỉnh miền Hậu Giang. Nhưng do tình thế cách mạng chưa
chín muồi và kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, nên bị địch khủng bố, đàn áp. Phần lớn
các đồng chí lãnh đạo, các chiến sĩ cộng sản và quần chúng yêu nước bị địch
khủng bố bắt giam, cơ sở Đảng bị tổn thất nặng nề.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở làng
Phú Hữu nổ ra, cướp được nhà Việc làng Phú Hữu, nhưng bị địch đàn áp, các đồng
chí trong chi bộ và quần chúng yêu nước bị địch bắt, cơ sở Đảng tan rã. Trước
tình hình đó, cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ đã nhanh chóng chuyển về Rạch Giá để
tránh địch khủng bố và tiếp tục lãnh đạo củng cố lại các tổ chức Đảng, khôi
phục phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Hậu Giang.
Văn phòng HĐND&UBND huyện (Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang).